Chủ Nhật, 16 tháng 4, 2017

Trích BÊN THẮNG CUỘC - Huy Đức

Trích BÊN THẮNG CUỘC
Huy Đức

[...]
Hai anh em Võ Dũng và Hiếu Dân nhận được tin mẹ và hai em ngay sau Tết năm ấy. Đây không phải là hoàn cảnh cá biệt ở trường học sinh miền Nam. Sau năm 1954 nhiều cán bộ miền Nam không đi tập kết. Với một số cán bộ cao cấp, Đảng đưa vợ con họ ra Bắc trước như bà Ngô Thị Huệ, vợ ông Nguyễn Văn Linh, bà Nguyễn Thuỵ Nga, vợ miền Nam của ông Lê Duẩn. Một số gia đình đã “chia sẻ rủi ro” bằng cách gửi một vài đứa con ra Bắc trong khi cha mẹ vẫn chiến đấu ở miền Nam.
Nhiều người không ngờ miền Bắc “thiên đường của các con tôi”(164) lại thiếu thốn khó khăn như vậy. Bà Bảy Huệ kể:
“Chúng tôi nghèo lắm, lương của tôi, vụ phó được chín mươi ba đồng, nuôi cả bầy con. Mấy đứa trẻ như thằng Dũng, con Hiếu Dân đều ở trong nhà tôi. Tiêu chuẩn mỗi đứa được bốn thước vải mỗi năm mà chúng lớn như thổi, lại nghịch phá, quần áo cứ chẳng mấy lúc mà rách, mà ngắn, chật. Thấy tôi khó khăn, anh Phạm Hùng kêu Ban Thường Vụ Quốc hội cho truy lĩnh tiền lương đại biểu Quốc hội khoá I từ 1946-1959 của tôi, được một khoản tiền lớn, tôi đem gởi Văn phòng Trung ương xài dần”.
Nhưng, thiếu thốn chưa phải là điều mà những đứa trẻ như Võ Dũng khó thích nghi với miền Bắc.
Chị Hiếu Dân kể:
“Trước khi chia tay, má tôi chuẩn bị cho một xấp váy áo, cái nào cũng đẹp. Ra Bắc, một hôm tôi mặc một cái váy ngắn một chút trên đầu gối. Anh Dũng liền kêu vào nhà đánh cho tôi mấy roi và bắt thay ngay. Anh tôi sau đó đã xé đi những bộ đồ đẹp nhất mà má tôi mua cho. Lúc đầu tôi rất ấm ức. Nhưng về sau, nhìn xung quay mới thấy không có đứa trẻ nào mặc váy, không ai mặc đồ màu mè sặc sỡ, tất cả chỉ có màu lính hoặc là màu sẫm. Tôi mới hiểu vì sao anh tôi làm vậy”.
Cả Hiếu Dân và Võ Dũng đều ra tới miền Bắc khi đã lên chín lên mười. Họ đã biết quan sát và so sánh giữa hai môi trường xã hội: miền Nam và miền Bắc. Bà Bảy Huệ kể:
“Võ Dũng là một đứa trẻ rất hiếu động. Giữa đám trẻ không mẹ không cha ấy, Dũng nổi lên như một ‘thủ lĩnh’. Nhiều khi ra đường quậy phá, bị công an giữ, nó lại tìm cách chạy về gặp tôi nói ‘có chuyện quan trọng, cô Bảy phải ra ngay’. Thế là tôi lại phải đi bảo lãnh cho chúng nó. Hồi bọn trẻ học ở Hưng Yên, có bữa Võ Dũng muốn đãi những bạn bè học sinh miền Nam - những đứa trẻ thiếu chất và ăn không bao giờ đủ no - một bữa tươi, nó báo với ông chánh Văn phòng Tỉnh uỷ là ‘ngày mai đám giỗ mẹ’. Thế là Văn phòng Tỉnh uỷ lại chuẩn bị mấy mâm cho nó mời bạn bè. Với bạn bè thì hết lòng, nhưng Võ Dũng không bao giờ chấp nhận sự áp đặt của người lớn. Hồi mới ra Bắc, bác Hồ có kêu mấy đứa trẻ con em miền Nam tới Phủ Chủ tịch. Dũng được bác Hồ gọi đến hỏi: ‘Cháu ngoan không?’. Nhìn đĩa kẹo bánh mà Bác sắp cho các cháu ngoan một cách thèm thuồng nhưng Dũng vẫn nói: ‘Cháu không ngoan’. Về nó bảo tôi: Cháu nói thật”. Theo bà Bảy Huệ: “Bình thường thì nó cũng ngoan như cháu ngoan bác Hồ, nhưng gặp chuyện ai ăn hiếp bạn bè là nó sống chết. Thông minh, gan dạ và hào hiệp lắm”.
Sau này khi gặp nhau trong chiến trường miền Nam, nghe Võ Dũng kể, ông Kiệt mới hiểu những đứa trẻ học sinh miền Nam như Dũng có mặc cảm, người lớn ở miền Bắc không bao giờ chịu nghe chúng nó. Ông Kiệt nói:
“Khi mới vào nó cũng thăm dò ngay cả mình. Nó nghĩ mình cũng giống như mấy ông bà ngoài Bắc quen áp đặt, có nói lại thì không nghe không hiểu ngôn ngữ của nhau. Ở chiến trường một thời gian, nó nói, mấy chú trong này mới lắm”.
Cái chết của mẹ và hai em trở thành một động lực trực tiếp để Võ Dũng kiên quyết vào Nam, phần để “trả thù cho mẹ”, phần để thoát khỏi không gian tù túng đang bó chân một chàng trai mười tám. Năm 1969, anh nhập ngũ sau đó đi thẳng vào Trung ương Cục. Lần đầu vào chiến trường nhưng khi phải di chuyển xuống Khu IX, Võ Dũng đã chọn con đường công khai. Trong vai một Khmer kiều, Võ Dũng được người giao liên của bố anh, bà Sáu Trung, đưa về từ Châu Đốc, theo xe đò xuống Rạch Giá.
Sau khi vợ và hai con mất, ông Võ Văn Kiệt vừa cần một người thân ở bên cạnh vừa, trong thâm tâm, muốn giữ an toàn cao nhất cho con mình. Võ Dũng được đưa về ở trong cơ quan Khu uỷ, cạnh cha. Bác sỹ riêng của ông Võ Văn Kiệt, ông Huỳnh Hoài Nam kể:
“Ổng dặn tôi kèm Dũng, ‘có khó khăn gì mày lo’. Nhưng Dũng rất ngang bướng, nó cứ đòi xuống đơn vị. Dũng kêu: Em về đây để chiến đấu chứ đâu phải để đào hầm cho ba em núp”.
Năm 1971, sau khi lãnh đạo Khu lấy lại được tư thế sau những tổn thất ghê gớm của Mậu Thân, ông Võ Văn Kiệt phát động đưa con em cán bộ ra mặt trận. Dũng nhân đấy nói, không lẽ kêu gọi con người ta ra trận mà con mình ngồi trong cứ, thế là đòi đi. Bác sỹ Nam kể:
“Ổng kêu tôi làm công tác tư tưởng. Tôi nói: ‘Dũng, em về miền Nam làm gì?’. Nó bảo: ‘Chiến đấu trả thù’. ‘Vậy em có thấy bọn anh chiến đấu không?’. Nó bảo: ‘Có, nhưng chiến đấu trong xó không hà’. Tôi lấy chuyện mẹ và các em đã mất ra khuyên can, Dũng vẫn dứt khoát. Ông Kiệt thấy thế đành bảo, thôi để nó đi”.
Dũng đòi bằng được ra một đại đội trinh sát. Ông Kiệt nhớ lại:
“Ông Lê Đức Anh biết chuyện định chuyển cháu về pháo binh, chưa kịp ra quyết định thì Dũng mất”.
Võ Dũng hy sinh ngày 29-4-1972 khi đang luồn qua những hàng rào dây thép gai trinh sát. Theo anh Hồ Văn Út, cận vệ của ông Kiệt:
“Hôm sau, mấy bà má phải vào đồn lính, xin xác Dũng về an táng bên kênh Tư Ký, Sóc Trăng”.
Ông Võ Văn Kiệt nhận được tin con trai hy sinh khi đang chủ trì cuộc họp Thường vụ Khu uỷ. Gương mặt người chính uỷ tái lại, nhưng ông chỉ mím môi để cho nước mắt chảy vào trong.
Những người cận vệ luôn sống cách ông vài bước chân cũng không khi nào nhìn thấy ông Kiệt khóc. Trước ba quân, vẫn là một ông Tám Thuận mạnh mẽ. Nhưng, khi trở về trong chòi riêng ông trở thành một con người khác, lặng câm, cô độc. Bác sĩ Huỳnh Hoài Nam kể:
“Ông thích uống cà phê sữa nhưng dạo ấy ông thường kêu tụi tôi làm ‘chà và đen’, cách ông gọi cà phê không. Đó là loại cà phê dành cho những đêm không ngủ. Kể từ khi bà Trần Kim Anh và hai đứa con thơ mất tích trên sông Sài Gòn, có hai kỷ vật lúc nào cũng được ông Kiệt giữ bất li thân đó là bức chân dung của bà và bộ đồ bà ba may bằng lụa tơ tằm. Bác sĩ Nam kể: “Mỗi khi dời cứ, thường chúng tôi giúp ông xếp đồ. Riêng tấm hình và bộ đồ của bà thì tự tay ông làm lấy”...

0 nhận xét:

Đăng nhận xét