Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2016

Một trăm người lính xe tăng - Ngày ấy bây giờ

Nguyễn Thế Tường
BÁO CÔNG AN NHÂN DÂN
11:09 17/12/2016

Đó là 100 sinh viên thuộc các trường đại học ở Hà Nội nhập ngũ và tham chiến bốn năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ngày 17-12-2016, tại Bảo tàng Quân sự, Ban liên lạc những “sinh viên Tăng - Thiết giáp” thuở ấy sẽ làm lễ kỷ niệm 45 năm ngày về binh chủng.


Ra đi từ những giảng đường

Ngày 6-9-1971, đáp lời kêu gọi của đất nước, chừng 3.500 sinh viên các trường Đại học Tổng hợp, Đại học Bách khoa, Đại học Nông nghiệp, Đại học Y... khu vực Hà Nội nhập ngũ, hình thành nên Sư đoàn 325B. Sau đúng 3 tháng huấn luyện bộ binh, một số chuyển sang huấn luyện tiếp ở các binh chủng. 100 tân binh chuyển sang binh chủng Tăng - Thiết giáp, hình thành nên 4 lớp đầu tiên của trường Hạ sĩ quan - tiền thân của trường sĩ quan Tăng - Thiết giáp ngày nay.

Trong số này, có khá nhiều tân binh nguyên là học sinh các trường miền Nam, nhiều người sinh trưởng ở Hà Nội, các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, khu bốn cũ... Trường đóng ở Km thứ 8 tính từ thị xã Vĩnh Yên lên Tam Đảo nên gọi là “Phố Tám”.

Là sinh viên nên sinh hoạt ngoài giờ huấn luyện cũng có nét đặc thù. Chơi đàn sáo, hát nhạc vàng, đọc tiểu thuyết hay thơ tình cũng khiến các chỉ huy phiền lòng. Đổi lại, có một không khí tri thức hiện hữu trong đơn vị. Bốn mươi năm sau, gặp lại, các chỉ huy bây giờ về già thú nhận rằng, khi mới nhận quân về đã cảm thấy “lực lượng này khó gặm”, nhưng khi đã hòa đồng với nhau thì chính các vị chỉ huy cũng tiếp thu được từ những sinh viên Hà Nội nhiều điều mới mẻ...

Đây là những lớp đào tạo hạ sĩ quan Tăng - Thiết giáp chính quy trong nước đầu tiên, chương trình khá nặng. Một trăm học viên chia thành 4 lớp: 2 lớp đào tạo trưởng xe và 2 lớp kỹ thuật viên. Cuối tháng ba, 20 học viên được gọi riêng, hối hả huấn luyện lái xe cấp một và tung ngay vào chiến trường Quảng Trị. Ba tháng sau, số còn lại cũng tốt nghiệp, lập tức bổ sung cho các đơn vị lần lượt vào chiến trường.

Âu, cũng là lẽ thường của người lính, trai thời loạn.

Kể từ khi có lính sinh viên tham gia binh chủng, không khí huấn luyện và chiến đấu của lực lượng đột kích này thay đổi hẳn. Các cựu sinh viên tiếp thu rất nhanh cả lý thuyết và thực hành trên bãi lái, trên máy móc liên lạc, sa bàn chỉ huy chiến thuật. Nhiều sinh viên là con em cán bộ cao cấp, lẽ ra đang được học ở nước ngoài và các trường danh giá trong nước, lại đang hăng say huấn luyện, sẵn sàng hiến thân cho Tổ quốc.

Các cựu chiến sỹ - sinh viên gặp mặt nhân ngày truyền thống.



Tham chiến

Toàn bộ 100 người lính sinh viên Tăng-Thiết giáp ấy đều ra trận, từ chiến dịch đầu tiên giải phóng Quảng Trị đến chiến dịch cuối cùng giải phóng Sài Gòn. 14 người hy sinh, 1 đến nay còn mất tích. Nguyễn Tư Thảo, người Hà Nội, sinh viên Bách khoa, hi sinh đầu tiên, ngay trên đường hành quân, vừa tròn 10 tháng tuổi quân. Phùng Anh Dũng, học sinh miền Nam, quê Phú Yên, hi sinh tại Ái Tử trong chiến dịch Quảng Trị tháng 10-1972, tròn 1 tuổi quân.

Nguyễn Tự Chính, quê Phú Yên, học sinh miền Nam, sinh viên Bách Khoa, vạm vỡ cân đối như một võ sĩ, chỉ huy trung đội Tăng sáng 1-4-1975 giải phóng Tuy Hòa. Xe dừng bên sông, Chính mở cửa ngắm thành phố quê hương mà anh mới nhìn thấy lần đầu tiên trong đời. Bất ngờ, một loạt đạn bộ binh bay tới, một tên lính bắn trộm, Chính gục trên tháp pháo. Đinh Quang Việt, quê Nam Định, Việt kiều về nước năm 1962, sinh viên Đại học Tổng hợp, hiền khô, đẹp trai như một hoàng tử.

Tháng 4-1974, Việt chỉ huy trung đội ba chiếc tăng tham dự trận Rinet-Kiến Điền ở Bình Long. Xe trúng đạn, Việt hy sinh ở tuổi 22. Nguyễn Văn Tư, sinh viên Bách Khoa, quê Hưng Yên, sinh trưởng Hà Nội - một chàng trai tài hoa và rất giỏi bếp núc, có biệt danh là Tư Cầu Muối, Tư Tỏi; mẹ công tác ngay trong trường. Phan Trung Khoa, quê Quảng Bình, học cùng lớp, đem lòng yêu em gái Tư. Hai anh em rể (tương lai) là sinh viên Bách khoa, cùng nhập ngũ, cùng sang Tăng –Thiết giáp và cùng hy sinh.

Sáng 30-4-1975, Đại đội trưởng Nguyễn Văn Tư dẫn đầu đơn vị đánh đến ngã tư Bảy Hiền thì xe trúng đạn. Cả kíp xe hy sinh. Khoa hy sinh ở Xuân Lộc... Cả 14 sinh viên chiến sĩ Tăng - Thiết giáp đều hy sinh trong chiến đấu...

85 chiến sĩ còn lại, nhiều người còn mang thương tích trên mình. Sau 1975, một số ít được giữ lại phục vụ trong lực lượng, thành sĩ quan cao cấp; có người thành Giáo sư, Tiến sĩ. Đa số trở về trường cũ học tiếp những năm cuối. Tất cả đều tốt nghiệp đại học, không có bất kỳ một “sa sẩy” nào trong suốt quá trình rèn luyện, chiến đấu, cũng như khi trở về trường.

Mỗi năm, vào ngày 6-9, họ cùng những sinh viên nhập ngũ cùng đợt năm 1971 tập hợp kỉ niệm ngày thành lập sư đoàn tân binh sinh viên đầu tiên.

Đôi điều day dứt

“Quốc gia hưng vong/ Thất phu hữu trách”. Đất nước có chiến tranh, những thanh niên sinh viên ngày ấy gác bút nghiên ra trận là trách nhiệm, niềm tự hào và đã được Đảng - Nhà nước ghi công xứng đáng. Thực tế chiến tranh cũng góp phần rèn giũa họ. Nhưng, với những đồng đội hy sinh, “công cuộc” tìm dấu tích liệt sĩ còn nhiều day dứt, nhiều chi tiết liêu trai. Người lính Tăng - Thiết giáp hy sinh trong chiến đấu thường thi hài khó nguyên vẹn, nhiều người chỉ còn tro trắng vì sức nóng, việc tìm hài cốt nhiều khi biết là vô vọng.

Vũ Văn Thành được giao nhiệm vụ chiến đấu ở Chơn Thành. Nguyễn Văn Chuyền, trợ lý tác chiến, bạn cùng trường, sau khi giao nhiệm vụ cho Thành, đêm về nằm thao thức nhớ đến tích cũ Bàng Thống - Phượng Sồ mất ở gò Lạc Phượng mà lo, vì cái địa danh Chơn Thành phát âm theo tiếng Nam Bộ sao mà giống “chôn Thành”. Ngay sáng hôm sau, từ đài quan sát, Chuyền tận mắt chứng kiến xe Thành xuất kích và trúng đạn, cả kíp xe không ai sống sót.

Liệt sĩ Ngô Ngời, sinh viên Bách Khoa, hy sinh sau cùng. Ngời nguyên là học sinh miền Nam, sau 1975, chưa vội trở lại trường, mà còn tham chiến ở mặt trận Tây Nam. Ngày 1-7-1979, Ngời được tin ba anh, cũng là cán bộ Quân đội sẽ ghé thăm. Anh chỉ kịp nhắn lại là đánh xong trận, cha con sẽ thong thả hàn huyên. Nhưng đã không có ngày “Phụ tử sum vầy” ấy.

Sinh thời, Tiến sĩ Phùng Thị Thanh Tú là chị ruột của liệt sĩ Phùng Anh Dũng vẫn phàn nàn nhiều về thái độ không nhiệt tình của một số địa phương và đơn vị khi chị đi tìm mộ em trai. Trong lần đi cuối cùng ra Quảng Trị, tình cờ Tiến sĩ gặp một phụ nữ cũng đi tìm mộ chồng. Ngay lúc ấy có con bướm rất lớn cứ chập chờn trước mặt rồi bay đi. Linh tính báo, chị đi theo con bướm vào nghĩa trang và tìm được mộ Dũng.

Liệt sĩ Nguyễn Văn Tư, sinh trưởng Hà Nội, quê cha Hòa Bình, quê mẹ Hưng Yên. Cha mất sớm, mẹ về lại quê an dưỡng tuổi già. Đưa được nắm tro của Nguyễn Văn Tư về Hưng Yên phải đổi sang họ mẹ mới được vào nằm trong nghĩa trang quê mẹ. Nấm mộ của Tư bây giờ mang họ Đặng.

Liệt sĩ Đinh Quang Việt bây giờ có đến bốn ngôi mộ. Vì một sơ suất mà hiện nay có đến hai ngôi mộ mang tên Việt và một ngôi mộ gió ở nghĩa trang Bến Cát. Nơi hài cốt anh yên nghỉ thật sự cũng chưa tìm được. Cách nay đúng 20 năm, phiên hiệu Trường Đại học Tổng hợp giải thể chia thành hai trường nằm trong Đại học Quốc gia. Bây giờ, hằâng năm, kỉ niệm ngày nhập ngũ, cựu sinh viên cựu chiến binh nhập ngũ các đợt trong chiến tranh không có “đất” để tổ chức, phải đi “đứng nhờ”các trường bạn...

Cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam thống nhất đất nước càng ngày càng lùi xa vào lịch sử. Cuộc sống thời hiện đại có nhiều giá trị đang bị xáo trộn. Trên đất nước hiện có tới hàng trăm trường đại học, hàng triệu sinh viên. Tôi vẫn gặp cậu thanh niên láng giềng 22 tuổi, mới tốt nghiệp đại học, đang chờ bố mẹ xin vào làm cơ quan nhà nước; thanh niên khác, thường ngồi quán cà phê đốt thuốc lá, 23 tuổi, ra trường một năm chưa có việc làm.

Chợt chạnh lòng. Tuổi ấy, sinh viên Đại học Tổng hợp Đinh Quang Việt đã chỉ huy một trung đội xe Tăng xung trận; sinh viên Bách khoa Nguyễn Văn Tư dẫn đầu đại đội lăn xích vào cửa ngõ Sài Gòn và anh dũng hy sinh... Một người thì “đứng tên” đến ba nấm mộ mà thân xác chưa tìm thấy; một người phải đổi họ để nắm tro tàn được về với mẹ...

Nguyễn Thế Tường



BÁO CÔNG AN NHÂN DÂN - 11:09 17/12/2016

0 nhận xét:

Đăng nhận xét